Đạo Thờ Thần

21/1/130 nhận xét

Nếu nói là chỉ có một “đạo thuần túy” Việt Nam, và lâu đời nhất thì phải kể “Đạo Thờ Thần”. Đạo này đã có từ lúc có người Việt Nam.

(Ảnh bên: Bà chúa Liễu Hạnh trong tranh thờ dân gian).

Người Việt nguyên thủy tin tưởng là có thần linh ở khắp mọi nơi: trong nhà, ngoài sân, ngoài vườn, bờ ruộng, trên ngọn cây, gốc cây, dưới lòng sông… Người Việt thờ phụng và tin tưởng tất cả các sức mạnh này. Đạo thờ Thần (cũng như thờ cúng tổ tiên) đáng lẽ ra không nên liệt kê là một tôn giáo. Bởi lẽ không có giáo chủ, cũng như không có giáo điều (thật ra đạo thờ thần có nhiều giáo chủ: mỗi vị thần là một giáo chủ?) Có nhiều sự tương tự, tượng hợp giữa đạo thờ thần và đạo thờ cúng tổ tiên. Chẳng hạn, chính Ông bà Tổ Tiên được kính bái như những vị thần che chở cho con cháu, gia tộc. Về Nghi thức, cũng có nhiều điểm giống nhau: Khi cúng một vị thần trong nhà thì gia trưởng là chủ lễ, tại làng xã thì có các vị hương xã; hoặc trong nước thì có vua hay quan thay mặt vua tế lễ; không cần đến một vị tu sĩ tôn giáo.

Xin được lần lượt kể các vị thần linh trong nhà, trong làng và các vị thần chung cho cả nước mà người Việt thờ cúng:


Thổ công là vị thần trông coi gia cư, định sự họa phúc của gia đình. Người Việt tin là nhờ có Thổ công, các ma quỷ không xâm nhập gia cư một cách “trái phép” để quấy nhiễu những người trong nhà. Bàn thờ Thổ công đặt ngay gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên. Nếu nhà nào không có bàn thờ tổ tiên thì bàn thờ Thổ công đặt ngay gian chính giữa nhà. Bàn thờ gồm một hương án kê sát tường. Trên hương án có một mâm nhỏ, ba đài rượu có nắp đậy; phía trước là bình hương hoặc đỉnh trầm; hai bên bình hương là đôi nến; đằng sau là bài vị Thổ công. Bài vị có thể là một cái mũ (có thể là 3 cỗ mũ – mũ có cánh chuồn dán trên một bộ áo và đôi hia). Bài vị này chỉ 3 vị thần có danh hiệu khác nhau:

(Ảnh bên: 3 vị thần Thổ công – 2 ông 1 bà).

Thổ công: trông coi việc trong bếp – Thổ địa: trông coi việc trong nhà – Thổ nhi (hay Thổ kỳ): trông coi việc chợ búa, hoặc sinh sản cho đàn bà.

Người Việt ta cúng Thổ công vào những ngày giỗ tết, sóc (ngày đầu tháng) vọng (ngày rằm). Lễ cúng tùy theo gia chủ. Có thể là chay hay mặn. Cốt lòng thành. Gọi là cúng thổ công nhưng phải khấn cả 3 vị thần linh ghi trong bài vị…

b- Thần tài

Thần tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình. Mỗi khi có khởi sự công việc làm ăn gì, gia chủ thưởng cầu khẩn thần tài.

Bàn thờ thần tài thường được thiết lập ở một góc nhà, không cần phải to lớn. Đôi khi chỉ là một khám nhỏ hay một thùng gỗ dán giấy đỏ. Bài vị có thể là một câu đối cầu tài, xưng tụng sự giúp đỡ của thần tài. Trước bài vị là một bát hương và một đôi nến, vài ly nước (hay rượu) và một mâm trái cây.

Những ngày giỗ tết sóc vọng, mỗi dịp xuất vốn làm ăn buôn bán đều có cầu xin làm lể Thấn tài. Ngoài ra, mỗi buổi chiều người ta hay thắp hương, có sự khi khấn vái của gia chủ.

c- Thánh sư (hay Nghệ sư)

Nghệ sư là ông tổ một nghề (đã truyền, dạy nghề cho đời sau).

Bàn thờ tổ tiên ở giữa, một bên là bàn thờ Thổ công, một bên là bàn thờ Thánh sư. Bài vị của Thánh sư có thể là một bức ảnh của vị Thánh sư.

Ngoài những ngày giỗ tế, người ta cúng Thánh sư vào ngày kỵ nhật của Thánh sư; để nhớ ngày qua đời của ông tổ nghề của mình.

d- Các vị thần tại các nơi công cộng

Đạo thờ thần còn thờ các vị thần linh chung của thôn xã hoặc toàn quốc ở các nơi công cộng.

- Thành hoàng: Trong việc thờ cúng công cộng, các thôn xã lấy việc thờ phụng Thành hoàng là quan trọng nhất. Thành hoàng của thôn xã cũng đuợc ví như thổ công ở trong nhà. Thành hoàng là vị thần linh che chở cho cả thôn xã chống mọi ác thần, giúp đỡ cho thôn xã thịnh vượng. Thành hoàng hay Thần bảo hộ đại biểu linh động tổng số những kỷ niệm chung, những nguyện vọng chung của làng xã. Thành hoàng hiện thân cho tục lệ, luân lý và đồng thời sự thưởng phạt trừng giới; chính Thành hoàng phạt khi nào dân làng có người phạm lệ, hay thưởng khi lệ làng được tôn trọng. Sau cùng Thành hoàng còn là hiện thân đại diện cho cái quyền tối cao bắt nguồn và lấy hiệu lực ở chính xã hội nhân quần. Hơn nữa Thành hoàng còn là mẫu số chung của tất cả phần tử của đoàn thể làng thôn. Thành hoàng kết thành khối, như là một thứ nhân cách tinh thần mà tất cả thuộc tính cốt yếu đều có thấy ở mỗi cá nhân.

Thành Hoàng có thể là 2, 3 vị; cũng có thể là 5, 7 vị Ức gọi là Phúc thần (Phúc thần là vị thần giáng phục cho dân gian).

Theo Phan Kế Bính trong “Việt Nam Phong Tục”, Phúc thần chia làm 3 hạng :

- Thượng đẳng : gồm các vị thiên thần như Phù đổng thiên vương, Chử đồng tử, Bà chúa Liễu Hạnh, Tản viên Sơn thần (Sơn tinh); hay các vị nhân thần có công trạng hiển hách cho quốc gia và có tên rõ ràng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi…

- Trung đẳng : là những vị thần trong làng xã do dân thờ cúng từ trước. Có thể là các quan chức có danh hiệu, có công trạng với làng xã mà không rõ tên họ (công trạng cũng lờ mờ); hoặc các thần có ít linh dị được vua ban sắc phong cho là trung đẳng thần và ra lệnh cho làng đem về thờ.

- Hạ đẳng : các vị thần do làng xã đã thờ phụng sẵn từ trước. Họ có tên nhưng đôi khi không còn rõ sự tích ra sao.

Ngoài 3 bậc thánh thần vừa kể, có nhiều làng còn thờ nhiều vị thần rất nhảm (còn gọi là quỷ, yều thần, tà thần) mà họ tin trước đây đã chết gặp giờ linh, ra oai, quấy nhiễu làng xóm làm do dân làng phải sợ mà thờ như thần rắn, thần lợn, thần chết nghẹn, thần trẻ con… Không phải làng xã nào cũng có Thành hoàng. Nhiều làng vì nhiều lý do không có thần, hoặc làng mới lập chưa có Thành hoàng.

- Nghè : Là loại hình điện thờ thần có mái che xuất hiện sớm hơn cả. Thuật ngữ Việt cổ gọi là “Nghè.” Đó là dạng tiên khởi của miếu thờ thần – nghĩa là thần điện có kiến trúc sơ khai. (Hiện nay ở Vĩnh Phúc còn 10 ngôi Nghè).

- Đình : Đình là nơi thờ vọng Thành hoàng (thần bảo hộ mỗi làng – vị thần của làng). Ngoài việc thờ phụng, Đình còn là trung tâm đời sống công cộng của đoàn thể. Chính ở đây, có những hội đồng kỳ mục; Chính ở tại đây làng nước giải quyết các vấn đề hành chính và tư pháp nội bộ; Cũng chính ở tại đây có những cuộc tế lễ, sinh hoạt văn hoá. Tóm lại tất cả hành vi sinh hoạt xã hội Việt Nam mang đặc trưng văn minh Việt Nam đều diễn ra ở đây.

Đình thường tọa lạc giữa làng. Xung quanh ngôi Đình thường có những cây đa, cây cổ thụ, bóng râm mát, hồ sen và một khoảng sân rộng. Cây đa như biểu tượng thiêng liêng của sức sống vững bền, chở che cho dân làng. Ngôi Đình còn là chứng tích tâm hồn và nhân chứng lịch sử gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của người làng quê.

Ngôi Đình Việt Nam cổ kính, trang nghiêm và là công trình kiến trúc văn hoá mang tính dân tộc. Kiến trúc Đình làng vì vậy cũng mang đậm dấu tích văn hoá độc đáo. Đình thường cao ráo, thoáng mát, nóc có tượng đôi rồng lượn tranh lấy quả châu, trên các thanh xà ngang là những bức hoành phi câu đối. Nơi thiêng liêng nhất để thờ thần là điện thờ.

Thời xưa, Đình làng còn là trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ rước xách hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt, họp việc làng, xử kiện cùng những quy củ nhất định, có sự phân biệt chiếu trên, chiếu dưới. Khi đi ăn cỗ, bậc hương lão, hương lý ngồi giữa đình, thấp hơn ngồi hai bên, dân thường ngồi ngoài

- Miếu : Miếu cũng là nơi thờ thần. Mỗi làng thờ thần đều có tòa Miếu; nhiều nơi có cả Miếu và Đình. Miếu và Đình kiến trúc giống nhau chỉ khác ở kích thước – Đình lớn hơn Miếu. Miếu có kiến trúc cũng như đối tượng thờ rất đa dạng.

Tên của Miếu thường được gọi theo đối tượng được thờ : Miếu Cô, Miếu Cậu, Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Miếu Sơn thần (thần núi), Miếu Hà bá (thần sông), Miếu Thổ thần (thờ thần đất).

Miếu cũng là nơi thờ các bậc trung liệt có công với nước như : Miếu Hùng vương (ở xã Đình Chu), Miếu Bì là (xã Đồng Ích) thờ Triệu Việt Vương… nhiều làng không có Miếu.

Miếu thường được toạ lạc ở nơi xa làng, yên tĩnh, thiêng liêng và chỉ là nơi yên nghỉ của các vị thánh thần. Trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hoá (nhân thần), ngày hiện hoá (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ Miếu về Đình. Tế lễ xong, lại rước thần về Miếu yên vị.

- Đền : Đền là nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật lịch sử đã được tôn sùng như thần thánh. Chẳng hạn như : Đền Hùng (Việt trì, Phú Thọ) thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua; Đền Phù Đổng (Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh – bây giờ là Gia lâm, Hà nội), thờ Thánh Gióng tức Phù Đổng Thiên Vương; Đền Hạ Lôi (xã Mê linh, Vĩnh Phúc) thờ Hai Bà Trưng; Đền Kiếp Bạc (xã Chí Linh, Hải Dương) thờ Đức Trần Hưng Đạo, Đền Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông, Lập thạch, Vĩnh Phúc); Đền Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ (xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình).…

Về kiến trúc, một ngôi đền thường chia làm hai phần. Phần nội điện (hay còn gọi là hậu cung) và nhà đại bái. Kết cấu này thường được bố cục theo lối chữ “Đinh” dân gian gọi là kiểu chuôi vồ.

Nhà đại bái lại chia làm 3 khoảng (3 gian hoặc 3 gian 2 dĩ) là trung đền, tả gian và hữu gian. Trung đền còn gọi là tiền tế, nơi có chiếu nghinh thần trong các cuộc tế.

Trước Đền có sân, cùng với trung đền làm nên một không gian thực hiện tế lễ trong các ngày giỗ thần ngăn cách với bên ngoài, có cổng đền. Cổng có cánh đóng mở để tỏ sự tôn nghiêm.

Thường thì các Đền không mở hội dân gian, chữ “Hội” ở đền chỉ có ý nghĩa là toàn dân họp lại thực hiện các nghi thức tế lễ, cầu cúng và thực hiện trình diễn lại các sự kiện lịch sử liên quan đến vị thần được thờ.

- Miễu : Miễu (dấu ngã) là một ngôi Miếu (dấu sắc) nhỏ, dùng để thờ những người bất đắc kỳ tử gặp giờ linh. Trước khi được lập Miễu thờ phụng, người chết này, theo tục truyền, có hiện hồn về với những quyền phép lạ chứng minh cái uy quyền của mình.


- Am (chúng sinh) : Một cái “đàn âm linh” nhỏ dựng bên cạnh các nghĩa địa để thờ vọng chung các âm hôn, mồ mả vô chủ, vô danh. (Chữ “Am” cũng dùng để gọi một ngôi chùa nhỏ thờ Phật; “Am” cũng là nơi yên tĩnh để các sư Phật giáo tịnh tâm hay đọc kinh Phật).

- Tự điền, Tự trạch : Mỗi làng dành riêng mấy mẫu ruộng là tự điền; hoặc dành một cái hồ, cái đầm riêng gọi là tự trạch để mỗi năm lấy hoa lợi, ngư lợi ở đó mà dùng vào việc cúng, tế tự cho làng. Làng nào không có tự điền, tự trạch thì dân làng phải đóng góp với nhau một khoản tiền; hoặc trích tiền từ công qũy để chi phí cho việc tế tự.

- Người Thủ từ, Cai đám : Người được chỉ định trông coi đình miếu, lo việc hương đèn hương và giữ đồ phụng sự… Nhiều làng chỉ để Thủ từ lo việc giữ đình miếu; và cử riêng một người lo viếc cúng bái gọi lá Cai đám – Cai đám là một người đáng kính của làng; cũng là người thường đúng ra làm chủ tế. Người Thủ từ được hưởng một ít hoa lợi của đình miếu và đôi khi được miễn cả thuế và tạp dịch.

Trong việc thờ Thần, cúng lễ là điều quan trọng – Không có cúng tế lễ, là không có sự thờ phụng. Việc cúng lễ thường được thực hiện quanh năm (ngày sóc vọng và tiết lạp bốn mùa).


Cúng lễ theo định nghĩa của Tử Điển Việt Nam Phổ Thông của Đào Văn Tập là :

- Cúng: Dâng lễ vật lên thần thánh và tổ tiên (thần thánh đây phải hiểu là kể cả Trời Phật…). Cúng có thể có hoặc không có âm nhạc.

- Tế: Cúng lễ theo nghi thức long trọng và phải có âm nhạc (nghi thức Tế sẽ được bàn chi tiết ở phần sau).

- Lễ: Cách bái lạy cung kính trước bàn thờ.
Trần Văn Giang
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Chuyên gia phong thủy

Xem thêm »

Phong thủy gia đình

Xem thêm »

Vận Mệnh

Xem thêm »

Học Phong Thủy

Xem thêm »
 
TOP